Xuất khẩu lao động: Chú trọng nâng cao chất lượng

Năm 2021, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Hiện, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Hậu quả mà dịch bệnh gây ra đã và đang tác động lên mọi mặt của đời sống, xã hội. Những khó khăn đó cũng không phải là ngoại lệ đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Từ thực tế đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đặt ra mục tiêu năm 2021 đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giảm 40.000 lao động so với chỉ tiêu năm 2020. Tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định.

Để từng bước phục hồi hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình và trạng thái bình thường mới tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia tiếp nhận lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đề nghị các công ty tư vấn, tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đề nghị các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương về phòng, chống dịch Covid-19; kết hợp đào tạo trực tuyến đối với lao động chưa thể tập trung đào tạo trực tiếp; đồng thời chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cở sở chính sách, quy định của nước sở tại để bảo đảm người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm, Cục sẽ phối hợp cơ quan chức năng tìm kiếm thị trường lao động ngoài nước có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có thu nhập cao cho người lao động.

Bên cạnh đó, cũng sẽ hợp tác với các nước trong vấn đề giải quyết ký thỏa thuận, Hiệp định để phối hợp giữa Việt Nam và các nước trong vấn đề giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động một cách kịp thời, bảo vệ được quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nâng cao chất lượng lao động nghề đi làm việc, vừa đáp ứng được nhu cầu bên nước ngoài về trình độ ngành nghề cũng như ngoại ngữ. Người lao động có được vị thế tốt, có thu nhập cao và có thể tiếp thu được kiến thức, kỹ năng, trình độ ở nước ngoài sau này về làm việc trong nước dễ kiếm được việc làm hơn.

Trong nhiều năm qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như các địa phương trong cả nước đều xác định xuất khẩu lao động là con đường giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập nên rất chú trọng công tác này.

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần vào việc giải quyết việc làm mà còn góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình. Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, ở những địa phương có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương.

H.P