Giảm thiểu số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Cần “cú hích” từ chính sách
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Số người lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016-2020 đang có xu hướng gia tăng qua các năm với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11%. Điều này đang đặt ra thách thức đối với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, cũng như hoàn thành mục tiêu về mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng
Tại Hội thảo khoa học “Bảo hiểm xã hội một lần ở Việt Nam - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức cuối tuần qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, xét về độ tuổi: Số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2019 có sự dịch chuyển về độ tuổi.
Cụ thể: Độ tuổi có số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần (bao gồm cả nghỉ bảo hiểm xã hội một lần do đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) tăng dần từ 32,55 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc gia tăng số người rời khỏi hệ thống, gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Đặc biệt, đối với người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với hưởng lương hưu hàng tháng.
Cụ thể, có 5 điểm hạn chế, đó là: Người lao động sẽ không được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội; không được Quỹ Bảo hiểm xã hội trả kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế khi hết tuổi lao động và các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khi người lao động qua đời thì người lo mai táng không được hưởng trợ cấp mai táng phí và trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần; mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần chỉ 1,5 tháng hoặc 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng theo quy định thấp hơn mức người lao động và người sử dụng lao động đóng (2,64 tháng lương);
Người tham gia bảo hiểm xã hội, khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế trong khi người hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không được hưởng chế độ này.
Như vậy, khi người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám, chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ các chính sách
Phân tích về nguyên nhân khiến gia tăng số người lao động đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Trước tiên, phải kể đến điều kiện thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn quá khó khăn. Qua điều tra, khảo sát của Tổng Liên đoàn về tiền lương, thu nhập của người lao động hàng năm cho thấy, hầu hết người lao động có thu nhập vừa đủ hoặc phải hết sức tằn tiện, phải làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống, “ráo mồ hôi là hết tiền” (chỉ có khoảng trên 15% người lao động làm việc có tích lũy).
“Cuộc sống quá khó khăn, nên khi phải nghỉ việc, hầu hết người lao động buộc phải lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có một khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Đây là sự lựa chọn mà không phải người lao động nào cũng mong muốn.”, ông Quảng cho biết.
Bên cạnh đó, ông Quảng cũng cho rằng: “Hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay của nước ta chưa thực sự hấp dẫn, chưa linh hoạt nên chưa thu hút được đông đảo người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, người lao động muốn hưởng chế độ hưu trí phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đảm bảo tuổi đời theo quy định; trong khi tuổi đời của số đông người lao động khi nghỉ việc còn trẻ. Họ không thể chờ đợi đóng đủ 20 năm để được hưởng chế độ hưu trí. Ngoài ra, các quy định của pháp luật về hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người lao động xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng”.
Do đó, ông Lê Đình Quảng cho rằng, để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài theo quy định tại Hiến pháp, khắc phục những tồn tại của chính sách về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời tạo tính hấp dẫn để người lao động chủ động tham gia và gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Hệ thống bảo hiểm xã hội phải được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”;
Tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội…
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, để giảm thiểu việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Nhà nước cần thực hiện những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động.
Chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già.
Bên cạnh đó, cần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, như: Tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm; hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt (bổ sung thêm các chế độ ngắn hạn, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội khác…), qua đó góp phần tăng thêm cơ hội cho những người lao động sau khi bị mất việc làm, không có cơ hội để trở lại với khu vực lao động chính thức, vẫn có thể tiếp tục tham gia đóng góp bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần./.
Bảo Duy
0 Bình luận
Để lại một bình luận